Những lỗi sai khi sơ cấp cứu có thể dẫn đến chết người!

(bài 1)
Hôm qua là ngày Thầy thuốc VN, hôm nay mẹ Hà post bài này để chúng ta cùng biết để cứu mình, cứu người, và để giúp bác sỹ hiệu quả nha !

Nên nhớ: 8 phút đầu tiên sau khi gặp tai nạn là khoảng thời gian “vàng” để giữ được mạng sống của nạn nhân. Nhưng ở VN thường bị để lỡ và nhiều người đã chết oan.Thống kê ở một bệnh viện tại Hà Nội chỉ ra rằng có tới 50% nạn nhân nhận những hậu quả đáng tiếc vì không được sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách khi gặp tai nạn. 

Đây là những chia sẻ của chuyên gia sơ cấp cứu hàng đầu của Úc - Tony Coffey đã hướng dẫn cho trường Quốc tế Bắc Mỹ - SNA mà mẹ Hà ngồi ghi lại.


1. Khi thấy người gặp nạn:


Nhiều người nghĩ rằng: Nạn nhân là người quan trọng nhất. Và chúng ta thường ca ngợi những tấm gương quên bản thân mình để lao vào cứu nạn nhân. Cảm giác này càng đặc biệt khi nạn nhân là người nhà, người thân quen của mình.
Nguyên tắc cần nhớ: Bạn - người vào sơ cấp cứu - là người quan trọng nhất! Vâng, chính là bạn! 

Bạn không được biến mình thành nạn nhân thứ 2 !
Phải bảo vệ bản thân bằng cách kiểm tra các mối nguy hiểm xung quanh nạn nhân (dây điện, xe tải, nguy cơ đuối nước, v.v...) có thể gây nguy hiểm cho bạn khi bạn vào giúp nạn nhân. Nếu lúc đó, chỉ có duy nhất bạn và nạn nhân thì bạn là cơ hội cuối cùng để cứu sống người khác nên bạn càng cần phải cần thận hơn nữa.

Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần làm là đảm bảo sự an toàn cho mình, xử lý các nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân rồi tiến vào kiểm tra phản ứng của nạn nhân. Nếu nạn nhân không phản ứng và có đa chấn thương hoặc có sự cố sức khỏe nghiêm trọng ngay lập tức KẾU GỌI SỰ TRỢ GIÚP, xe cứu thương 115, rồi mới tiến hành sơ cấp cứu cho nạn nhân.


2. Chảy máu cam: 

Thói quen “sai nhè”: Nhiều cô giáo ở trường mẫu giáo cũng vẫn còn cho HS ngửa mặt lên trời, dùng giấy “nhét kín” vào lỗ mũi chảy máu, giơ tay lên trời, lấy đá ép vào mũi, v.v... để máu không chảy ra.
Cách xứ lý đúng: Nguyên tắc cầm máu ngoài là tạo áp lực trực tiếp lên vùng bị chảy máu. Vậy để cầm máu mũi, bạn dùng hai ngón tay cái và trỏ bóp chặt phía trên cánh mũi, phần mềm dưới xương mũi dưới hốc mắt, nơi nguồn máu bơm vào mũi (chứ không phải phần cánh lỗ mũi) và cúi đầu về phía trước, đề tránh máu chảy ngược vào trong cổ họng.

Nếu khi cúi đầu và tay bóp chặt trên cánh mũi mà máu vẫn nhỏ thành gọt xuống nền, thì bạn cần điều chỉnh áp lực tay và vị trí trên mũi. Nếu sau 5 - 10 phút làm như vậy mà máu vẫn chưa ngưng, thì dùng đá lạnh chườm vào hai bên gáy để giảm tốc độ máu bơm vào mũi. (nhớ nha, 2 bên gáy chứ ko phải là ép vào mũi ạ )


3. Bị bỏng:


Thói quen “sai nhè”: Quan niệm dân gian là bôi kem đánh răng, chườm đá, bôi nước mắm, mỡ trăn… nhưng đều không đúng rồi bạn nhé!
Cách xử lý đúng: Đầu tiên phải tìm cách hạ nhiệt cho da. Trong sơ cấp cứu bỏng, thứ tác dụng nhất để hạ nhiệt cho da là nước vòi, nước chai ở nhiệt độ phòng. Để vùng bị bỏng dưới vòi nước đang chảy trong 15 - 30 phút, cho đến khi nào nhấc ra cũng không cảm thấy đau nóng nữa. Nếu vết bỏng nhẹ, thì sau sơ cứu với nước, khi da đã trở về nhiệt độ thường thì mới bôi kem vitamin E, lô hội, lòng trắng trứng gà, mỡ trăn, kem phỏng v.v... để giúp da phục hồi nhanh hơn. Cần đưa nạn nhân đi bệnh viện để xử lý nguy cơ nhiễm trùng khi bị bỏng nặng cháy da.

Lưu ý: không dùng đá lạnh chườm lên, sẽ gây bỏng lạnh. Các loại thuốc trị bỏng, làm lành vết bỏng chỉ dùng để bôi sau bước làm mát.


Nếu bị bỏng do điện giật, nhớ kiểm tra bàn chân nạn nhân vì điện có thể truyền xuống đất qua chân và làm bỏng lòng bàn chân.


Những kiến thức về sơ cấp cứu, bằng cấp về sơ cấp cứu đều cần phải được cập nhật liên tục. Có rất nhiều những thông tin những cách làm hoặc quan niệm dân gian về sơ cứu đúng ở ngày xưa nhưng bây giờ đã không còn hiệu quả.

Hãy học các kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu đúng cách hiệu quả vì việc bạn sơ cứu ban đầu có thể quyết định sự sống chết và chất lượng cuộc sống sau này của nạn nhân.
Chúc mọi nhà an toàn và mạnh khỏe.
(còn nữa, về sơ cấp cứu khi hóc dị vật, khi bị tai nạn, khi băng bó... mai mốt mình post tiếp nha!)

Nguồn: FB Chị Thu Hà
https://www.facebook.com/thu.ha.39545464/posts/1902884936402771
Link bài 2: 
NHỮNG LỖI SAI KHI SƠ CẤP CỨU CÓ THỂ DẪN ĐẾN CHẾT NGƯỜI ! (bài 2)

0 comments:

Post a Comment

 
Top