Bài thi của con toàn 9, 10, nhận xét trong sổ thì toàn trên mây. Ngó ra xung quanh, tôi thấy đứa nào cũng 10, 10, 10... Giỏi toàn diện là gì? Là một cái mê cung rất nhảm, nó làm cho mình chả biết nên đi đường nào, vì môn nào cũng là sở trường cả.
Con chúng ta đều giỏi?
Cuối tuần trước tôi đi họp phụ huynh, Xu Sim thậm chí còn được là học sinh tiêu biểu, nàng ấy hớn hở giải thích "Nghĩa là môn gì cũng giỏi ấy mẹ ạ"! Sợ quá! Bài thi toàn 9,10, nhận xét trong sổ thì toàn trên mây. Ngó ra xung quanh, tôi thấy đứa nào cũng 10, 10, 10, và cũng toàn trên mây cả... Giỏi toàn diện là gì? Là một cái mê cung rất nhảm, nó làm cho mình chả biết nên đi đường nào, vì môn nào cũng là sở trường hết trơn hết trọi.
Thoạt đầu thấy con có năng khiếu văn. Nhưng cuối năm điểm toán toàn 10. Giờ lại hoang mang, hay là nó giỏi toán?
Ngừng chút để kể câu chuyện cuộc đời của tôi tí nha. Tiểu học rất mê văn, nhưng điểm văn luôn thấp hơn điểm toán. Thế là lên cấp 2, cấp 3 bị xếp vào lớp chuyên toán. Rồi thi đại học khối A. Trót là Cháu Ngoan Bác Hồ, phải ngoan ngoãn nghe lời người lớn nên tôi chăm chỉ cày toán, và may sao cũng lết được vào đại học Sư Phạm!
Ra trường đi dạy thì không thấy vui. Cứ sao sao đó.
Nghiến răng làm giáo viên được 4 năm thì tôi gặp 1 cú sốc khá lớn. Đủ chuyện xảy ra, cãi lại hiệu trưởng, bị đuổi việc, bị người yêu chia tay, bị nhiều thứ nữa không kể được. Lúc ngã sóng xoài trên mặt đất, mới thấy những giải phương trình, đạo hàm, những vi phân tích phân chả giúp được gì cho mình. Tôi đóng cửa ở nhà khóc lóc cả tuần liền. Và từ dưới cái đáy đó, tôi đọc.
Say sưa đọc hết quyển này tới quyển kia, nhịn ăn đi mua sách cũ để đọc. Khi đó, tôi mới biết thực ra là mình rất thích văn, cực kỳ thích, thích từ ngày nhỏ, nhưng đã bị nén lại. Và rồi tôi chuyển nghề. Nhịn ăn mua sách tự học, triền miên thức tới 2, 3 giờ sáng, viết bài bằng tay tới mức vẹo cả ngón tay giữa. Vất vả mấy cũng làm, bị bố mẹ chửi, bị sếp chửi vẫn theo, lương thấp cũng chịu, hàng tháng liền lăn lội theo một đề tài rồi đổ cái bụp, khóc lóc chán rồi lại hớn hở làm lại từ đầu. Khi mình đã xác định được đam mê, khi chọn được đây là sở trường duy nhất của mình rồi, thì mọi khó khăn chỉ là muỗi, vẫy tay cho qua! Đang yêu mà!
Thế là từ ngày rời khỏi giảng đường, không bao giờ tôi dám nhìn lại bài toán nào, liếc liếc cũng không luôn. Tôi sợ các con số, và rất lúng túng khi phải đối diện với các con số. Tôi tiếc hàng chục năm tuổi trẻ tươi đẹp nhất của mình đã vùi đầu trong một môn học mình không yêu thích, và rồi 26 tuổi mới học lại từ đầu một môn khác!
Năm ngoái, có bạn hỏi tôi, mày tư vấn xem tao nên cho con thi trường gì. Tôi hỏi cháu, cháu trả lời: "Cháu muốn thi đại học Văn hóa, vì cháu muốn làm ca sỹ, mẹ muốn thi an ninh cho đỡ học phí, bố muốn cháu làm hải quan có nhiều tiền, bạn bè thì bảo thi kiến trúc đi, vì nghề đó hay hay!". Trời ạ, mỗi trường mỗi phương, Đông Tây Nam Bắc chọn làm sao giờ? "Thế cháu thích nghề gì?" "Cháu chả biết cháu thích nghề gì". "Thế cháu giỏi môn nào?" "Cháu là học sinh giỏi toàn diện".
Thôi xong!
Trót làm học sinh giỏi toàn diện, 12 năm chăm chỉ ngoan ngoãn làm thợ học, rồi thợ thi, giờ tới lớp 12, không biết mình có sở trường gì, có sở đoản gì?
Nhiều giáo viên biện minh, là cho điểm cao để các em tự tin. Ôi, cả năm bắt ne bắt nẹt, phạt sởn tóc, liếm ghế, bạt tai, rồi cuối năm cho điểm cao thì cũng chả cứu được tí tự tin nào trong các em đâu.
Hơn nữa, sự dốt nát không đáng sợ, cái đáng sợ là điểm rất cao và cao đều, làm trẻ bị ngộ nhận về bản thân, dốt mà không biết mình dốt.
Con giỏi không hẳn lúc nào mẹ cũng vui....
Hôm qua, Xu Sim học múa bài Alibaba, nàng ấy hỏi: "Tại sao Alibaba lại được nhiều người yêu mến?" và dò tìm từ Mr Gúc. Mẹ vừa nấu ăn, vừa nghe lại câu chuyện, rằng tên cướp sau khi tìm ra nhà Alibaba đã đánh dấu lên cổng nhà chàng rồi quay về, tính sẽ dẫn đồng bọn tới xử. Cô hầu gái Morgiana đi chợ về nhìn thấy cái dấu trên cổng, không biết nó có ý gì, cũng hơi lo lo, nàng đi đánh dấu y hệt thế lên tất cả các cổng khác trong khu phố.
Hôm sau tụi cướp quay lại, bối rối chả biết nhà Alibaba là cái nào trong một loạt nhà có đánh dấu giống hệt nhau, đành phải ôm hận vác gươm quay về hang.
Ủa, vậy là giáo dục và nhà trường đã làm xuất sắc nhiệm vụ của cô hầu gái Morgiana, đánh dấu lên tất cả bọn trẻ con, cho nó giống hệt nhau.
Giờ thì, nhìn bảng điểm toàn 9 với 10, đố ai tìm được nhà của Alibaba nữa đấy!
Theo Thu Hà/Trí Thức Trẻ